Qua lời kể của nhiều người, ngành quảng cáo trông thật lộng lẫy. Nhưng khi đã trải gần 1 thập kỷ trong ngành, tôi thấm thía được đằng sau ánh hào quang ấy là cả “bể” áp lực và nỗ lực không ngừng.
Sơ lược về Digital Agency
Trước hết, tôi chia sẻ về loại hình agency mà tôi đang xây dựng và phát triển: Digital Agency. Trong đó, Agency nghĩa là công ty đảm nhận lên ý tưởng và triển khai thực hiện chiến dịch quảng cáo dựa trên định hướng chiến lược từ Brand Team. Digital Agency là công ty quảng cáo tập trung vào kênh Digital, nghĩa là truyền thông sản phẩm, thương hiệu thông qua các trải nghiệm online của người tiêu dùng.
Như phần lớn agency khác, cấu trúc của Digital Agency cũng bao gồm những bộ phận như: Account, Planner, Content, Design. Riêng bộ phận Media (hay còn gọi Performance) là vị trí đặc biệt hơn so với các công ty truyền thông khác, có nhiệm vụ lên kế hoạch và trực tiếp triển khai chạy quảng cáo trên các kênh digital để tiếp cận người tiêu dùng và đạt mục tiêu truyền thông.
- Brief: Account cùng Planner nhận yêu cầu từ khách hàng, phân tích yêu cầu và xác định KPI.
- Planning: Planner bắt đầu triển khai kế hoạch tổng thể (master plan). Tại DIGIGO, dựa trên kế hoạch tổng thể, các bộ phận Media và Content sẽ triển khai tiếp định hướng nội dung và chiến lược chạy quảng cáo. Account sẽ cố gắng điều phối các bên làm việc với nhau cho hiệu quả, đảm bảo đúng yêu cầu khách hàng đề ra.
- Execution: Thông thường, Agency sẽ trình bày kế hoạch đề xuất (proposal) để tham gia pitching (đấu thầu). Nếu thuyết phục khách hàng lựa chọn kế hoạch của công ty mình, Agency sẽ tiếp tục triển khai thực tế các hoạt động truyền thông – tức là giai đoạn Execution.
Trên đây là sơ lược về Digital Agency cùng quy trình làm việc phổ quát. Ngoài ra, tôi cũng muốn chia sẻ một vài câu chuyện nổi bật trong ngành dành cho các bạn sinh viên cùng với người mới đi làm (1st jobber), để các bạn có góc nhìn thực tế hơn về thế giới Agency. Từ đó, các bạn có thể cân nhắc trước khi dấn thân vào con đường này, cũng như có đủ lòng kiên trì nếu đã quyết tâm theo đuổi ngành Agency.
Agency và những điều chưa kể…
Làm việc tại Agency, bạn sẽ trải qua cả “hào quang” và “áp lực”. Cũng như câu chuyện chọn người yêu. Chúng ta cần biết cả mặt tốt và chưa tốt của một người, khi đó ta mới thật sự hiểu họ, và tình yêu nảy nở sẽ gắn bó, lâu bền. Ngành truyền thông, quảng cáo cũng như vậy, nếu chỉ quan sát từ bên ngoài, chúng ta sẽ thấy ngành này thật lộng lẫy. Nhưng để đạt được ánh hào quang đó, đằng sau là vô vàn áp lực và sự cố gắng. Sau đây là những câu chuyện rất thực tế của ngành này.
Phía trước là hào quang
Đối với tôi, Agency là ngành mang tính nghệ thuật khi đòi hỏi sự sáng tạo, nhưng là sáng tạo có mục tiêu thực tế và mang lại hiệu quả kinh doanh. “Hào quang” của ngành Agency gắn liền với việc các chiến dịch quảng cáo khi tung ra thị trường sẽ được nhiều người biết đến và bàn tán. Việc phải làm trong môi trường sáng tạo, thoải mái cũng là điểm hấp dẫn của ngành này. Chưa kể nếu là vị trí Account, chúng ta sẽ thường xuyên tiếp khách, sẽ diện những bộ cánh xinh đẹp, với phong thái chuyên nghiệp, cũng tạo nên sức hấp dẫn của Agency.
Ngoài ra, riêng với ngành quảng cáo, có rất nhiều giải thưởng để vinh danh sự sáng tạo và hiệu quả. Thậm chí, một số quan điểm cho rằng thành công của người làm truyền thông, quảng cáo có thể đánh giá qua những giải thưởng mà họ đạt được với các chiến dịch họ tham gia thực hiện. Do đó, khi thực hiện được một dự án quảng cáo thành công, đạt được các giải thưởng lớn, được vinh danh… cũng tạo nên “ánh hào quang” trong ngành ngày.
Hào quang thì dễ thấy đấy, nhưng liệu chúng ta có hiểu hết khó khăn, vất vả của người làm agency không?
Nếu phía trước là hào quang thì phía “bây giờ” là áp lực
Áp lực đầu tiên đơn giản đến từ những cuộc họp. Có nhiều cuộc họp kéo dài hàng giờ liền và thậm chí là không có “dấu hiệu” kết thúc. Không những vậy, mỗi phiên họp có nhiều đối tượng từ các phòng ban khác nhau tham gia, để đảm bảo các bên liên quan nắm bắt rõ ràng nhiệm vụ cũng như trợ giúp team khác nếu cần thiết. Bên cạnh tần suất và thời lượng họp tương đối dày, newbie còn phải đối diện với áp lực diễn ra trong cuộc họp như nhận ý kiến đóng góp từ nhiều bên hay cảm thấy bế tắc khi lên ý tưởng… Vì vậy, học cách kiểm soát cảm xúc và tập trung giải quyết vấn đề là điều vô cùng cần thiết.
Tiếp theo, chúng ta cũng cần làm quen với các buổi Shooting (ghi hình). Thông thường, một buổi Shooting kéo dài từ 6 giờ sáng đến 11 giờ đêm. Có thể nói đây là con số “lý tưởng” và được coi là thời gian đóng máy vô cùng sớm. Đôi lúc là Account, khi tham gia một buổi ghi hình, để đảm bảo chất lượng chúng ta cũng cần phải theo dõi đảm bảo sản phẩm lên hình phải thật đẹp, chỉnh lại trang phục của talent… Ghi hình xong, team sẽ đến công đoạn dựng phim, cả Agency phải phối hợp với ekip để làm việc liên tục, điều chỉnh sao cho đúng ý khách hàng và làm hài lòng đạo diễn.
Ngoài những công việc trên, đôi lúc, newbie phải tham gia sự kiện với vai trò ban tổ chức, để đảm bảo chiến dịch thành công từ online đến offline. Ví dụ, nếu làm tại Event Agency, bạn sẽ phải chạy sự kiện, làm khâu tổ chức, lên kịch bản chương trình… Nhưng nếu làm việc tại PR Agency, bạn có nhiệm vụ làm việc với phía phóng viên, báo chí… Những công việc này sẽ giúp bạn có những trải nghiệm như xây dựng mối quan hệ, xử lý tình huống thực tế, đi công tác…
Nếu như Agency có những hào quang và áp lực lớn như vậy, tại sao chúng ta vẫn chọn con đường này? Đây cũng là câu hỏi mà nhiều nhà tuyển dụng thường đặt ra khi phỏng vấn ứng viên.
Với riêng cá nhân tôi, tôi chọn ngành này vì các yếu tố sau:
- Beauty: Nhìn vào tính cách cá nhân, tôi là người luôn tìm kiếm những góc độ tích cực, những “beauty” từ các sự vật, sự việc xung quanh mình. Chính vì thế, với ngành quảng cáo, tôi được làm công việc đúng với tính cách của bản thân mình. Đó là nhìn nhận những giá trị, “vẻ đẹp” của sản phẩm, thương hiệu; cùng với việc nắm bắt nhu cầu của người dùng; từ đó kết nối sản phẩm và khách hàng với nhau.
- Fresh: Thêm một điểm nữa, tính cách của tôi luôn thích làm những điều mới mẻ, và ngành này thực sự cho tôi trải nghiệm đó. Khi mà buổi sáng tôi có thể “bán sữa”, buổi trưa “bán giày”, tối về lại “bán bỉm”. Việc làm với nhiều thương hiệu, giúp tôi được F5 mỗi ngày, làm những công việc rất khác nhau, sống những cuộc đời khác nhau, trải nghiệm nhiều điều khác nhau.
- Value: Cuối cùng, tôi luôn muốn những gì mình làm ra đều phải có ý nghĩa và tạo nên giá trị, đây cũng là yếu tố quan trọng nhất khi tôi chọn nghề. Với ngành quảng cáo, bất kì công việc nào bạn làm đều có thể tạo ra “giá trị cộng thêm”. Vì sản phẩm về bản chất chúng chỉ có những giá trị vật lý, chính chúng ta sẽ thổi vào chúng những giá trị cảm xúc, tinh thần. Ngoài ra, mỗi thông điệp truyền thông từ nhãn hàng đều có thể thay đổi hành vi, nhận thức của người dùng. Nếu là một thông điệp tích cực, chúng ta sẽ lan toả thái độ sống tích cực cho số đông. Đó cũng là cách tạo ra những giá trị tích cực cho cộng đồng.
Để đúc kết lại, khi lựa chọn nghề nghiệp, nếu bạn là sinh viên hoặc vừa mới ra trường, là một “newbie” – hãy tìm hiểu kỹ về con đường mình muốn đi, hiểu cả mặt tốt và hạn chế. Ngoài ra, hãy nhìn vào bản thân mình, xem tính cách có phù hợp hay không, giá trị sống mình theo đuổi có cùng tính chất với nghề này hay không. Để từ đó, trả lời được câu hỏi “tại sao lại muốn làm agency”, thì như vậy lựa chọn của bạn mới thật sự thấu đáo, và kiên nhẫn để theo đuổi đến cùng. Chúc bạn may mắn trên con đường sự nghiệp của mình nhé!
Còn nhiều câu chuyện thú vị khác được tôi chia sẻ tại sự kiện Passport to Marketing #2: The World of Agencies. Mời bạn nhấp vào đây để lắng nghe nhé.
Tác giả: Mai Hồng Ngọc – CEO & Co-founder B-Rise Agency Marketing
*Nguồn: Brands VietNam